Sapa vốn nổi tiếng với các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Tuy nhiên, bạn có biết rằng bên cạnh việc ngắm cảnh, người ta lên Sapa còn để thưởng thức các món ăn đặc sản mà chỉ có ở vùng núi cao nguyên này mới có không!? Hãy cùng Traveloka khám phá người ta đã và đang ăn gì ở Sapa qua bài viết này nhé!
1. Đồ nướng Sapa
Đến xứ Sapa lạnh lẽo thì đồ nướng là thứ mà ta hay nghĩ đến đầu tiên (sau đó là cà phê nóng :D). Nếu như Đà Lạt có bánh tráng nướng, có thịt nướng ngói thì đồ nướng ở Sapa lại hay ho theo một cách hoang dại hơn nhiều. Bên cạnh những món quen thuộc như khoai lang, trứng gà, cánh gà, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một số món đậm đà bản sắc Tây Bắc như thịt bò cuốn cải mèo, cá suối nướng, trứng nướng, chả cá hồi, thịt lợn bản xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút. Cứ thế, cứ thế, hương vị của những thực phẩm tươi ngon, của gia vị nồng đượm hoà quyện lại với nhau dưới bàn tay khéo léo của người dân bản địa, tạo nên món nướng Sapa đậm đà, mộc mạc khó quên.
Bạn có ghé qua khu Phố Cầu Mây, Sa Pa, Lào Cai để nhâm nhi các món nướng ngon lành này. Giá cả giao động từ 30.000 VND – 110.000 VND / món. Nếu đi nhóm đông bạn nên gọi nhiều món một lúc để có thể thưởng thức nhiều hương vị nhất có thể. Khu này mở cửa từ 7h tới 23h nên cứ thong thả mà đi thôi.
2. Cơm lam Sapa
Cơm lam là món đặc sản khác của Sapa mà tôi khuyên bạn nên thử 1 lần. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này ngay tại các quán nướng hoặc đa phần các nhà hàng ở Sapa đều phục vụ món cơm ngon lành này.
Cách làm món cơm lam khá đơn giản. Người ta sẽ vo nếp hương cho sạch, sau đó cho vào các đoạn ống nứa hoặc ống vầu có độ dài hơn 1 gang tay. Nguyên liệu cho vào ống phải đảm bảo tỉ lệ 3 nếp – 2 nước (thêm 1 ít muối cho đậm đà). Cuối cùng, lấy lá chuối bịt đầu ống lại và cho lên bếp nướng. Vậy là xong. Lưu ý, bạn phải canh lửa và trở ống cơm liên tục để cơm chín thật đều nhé!
Tuy bạn có thể làm món cơm lam này tại nhà nhưng tôi đảm bảo, sẽ chẳng có nơi đâu có món cơm lam ngon như ở Sapa đâu! Vì sao ư? Vì thời tiết ở Sapa luôn giữ ở mức lạnh (hay đôi khi quá lạnh :P) khiến bạn chỉ muốn “chụp” lấy 1 món gì đó nóng nóng, ăn dần dần để giữ ấm cơ thể. Có lẽ, chính vì yếu tố thời tiết không “đụng hàng” ấy lại khiến du khách có cảm giác muốn tìm đến những món ăn đơn giản nhưng ấm lòng như cơm lam. Miếng cơm dẻo ăn cùng que thịt xiên nướng đậm đà tạo nên cảm giác tròn vị lan toả trong khuôn miệng. Nói chung là chẳng chê vào đâu được.
3. Thắng cố Sapa
Món ăn là này đặc sản của người Mông và thường được bày bán ở các bản hoặc phiên chợ người Mông. Thắng cố khá là đặc biệt, thịt chế biến được lấy chủ yếu từ ngựa (từ thịt ngựa tới tim gan lòng và tiết ngựa) nấu cùng 12 thứ gia vị khác nhau. Gia vị thứ 12 chính là cây thắng cố – gia vị làm nên món ăn đặc sắc này. Thường thì người ta sẽ nấu một nồi thắng cố thật lớn, khi ăn sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu nhỏ và thái thịt ngựa thả vào. Món ăn này được ăn kèm với cải mèo, ngồng su hào hoặc cải lẩu. Bạn có thể tìm thấy món đặc sản này ở phiên chợ Bắc Hà – phiên chợ nổi tiếng của Sapa, hoặc ở nhà hàng Anh Quỳnh (từ vườn hoa trung tâm đi bộ ra vài bước, tiệm nằm bên tay trái). Giá cho một bát thắng cố ngựa khoảng 100.000 VND.
Tips cho bạn, vị ngon của thắng cố sẽ được củng cố thêm đôi chút nếu đi kèm với chén rượu ngô nho nhỏ. Vị nồng ấm của chén rượu hoà quyện cùng vị đậm đà của bát thắng cố sẽ tạo nên cảm giác dễ chịu khó quên.
Bạn có thể tham khảo thêm các món ăn khác ở phiên chợ Bắc Hà tại đây.
4. Thịt lợn cắp nách Sapa
Cái tên của món đặc sản này được đặt đúng theo nghĩa đen. Món thịt lợn cắp nách Sapa được làm từ thịt của các chú lợn nhỏ, với cân nặng dưới 10kg, vừa cân cho một người “cắp nách” mang đi. Quả là một cái tên giản đơn!
Bàn về các chú lợn cắp nách này một chút. Đây là giống lợn đặc trưng của người dân vùng cao. Chúng được nuôi khá đơn giản. Lợn được thả rông từ khi mới được sinh ra mặc cho mưa nắng. Chúng phải tự kiếm ăn, hoạ hoằn lắm mới được chủ “đút” cho tí ngô hoặc củ sẵn. Do sớm thích nghi với môi trường tự nhiên nên những chú lợn cắp này sống rất khoẻ và thịt rất chắc. Lợn được thả rông tầm 1 năm là có thể đem bán hoắc xẻ thịt. Bạn có thể tìm thấy lợn cắp nách hoặc món thịt lợn cắp nách ở các phiên chợ như Bắc Hà, Mường Hum, v.v.
Thật ra, cách làm của món ăn này cũng khá giống với món heo quay ở trong Nam. Lợn được tẩm ướp nguyên con, sau đó đem đi quay hoặc nướng. Miếng thịt lợn khá mỏng, lớp bì bên ngòn giòn tan, lớp thịt bên trong mềm, chắc và ngọt lịm. Bạn cũng có thể nhâm nhi thịt lợn cùng vài chén rượu táo mèo Sapa. Một sự kết hợp hoàn hảo khiến cho dạ dày ấm lên phải biết!
Giá rổ cho món này rơi vào tầm 130.000 VND/đĩa.
5. Gà đen Sapa
Gà đen Sapa hay còn gọi là gà ác – một món đặc trưng khác của người Mông bên cạnh món thắng cố. Loại gà nhỏ bé này (gà thường nặng tầm 1kg) có da, thịt và cả xương đều màu đen. Lần đầu trông thấy gà ác, có lẽ bạn sẽ hơi sượng một chút vì nó đen quá thể. Nhưng đừng vôi phán xét qua vẻ bề ngoài, thịt của gà ác rất ngọt và mềm đấy!
Có rất nhiều cách chế biến món gà ác như hầm, luộc, v.v. nhưng dễ ăn nhất là nướng, và đặt biệt nhất là nướng mật ong. Bạn nhớ nhé, lên Sapa và gọi đĩa Gà ác nướng mật ong dùng kèm với muối tiêu chanh là đúng bài!
Bạn có thể tìm thấy món ăn này ở hầu hết các quán nướng ven đường nhé. Và giá cũng khá mềm, tầm 300k/con đổ xuống thôi.
6. Thịt gác bếp Sapa
Nhắc đến các món ngon đặc sản ở Sapa thì không thể không kể đến món thịt gác bếp. Món ăn này vốn được người dân Sapa chế biến làm lương thực dữ trữ, vậy nên bạn bước vào bất cứ căn nhà nào cũng có thể tìm thấy những miếng thịt lợn, trâu, bò, nai được xẻ to từng miếng treo ở trên gác bếp. Những miếng thịt này được hong khô bởi khói bếp và có thể ăn quanh năm. Tất nhiên là trước khi treo lên thì người dân cũng đã tẩm ướp thịt với các loại gia vị khác nhau, đặc biệt là ớt Mường Khương đem lại vị cay nồng nàn cho miếng thịt thú thêm thanh ngọt.
Đến lúc chế biến, người nấu sẽ cọ cửa cho sạch lớp bồ hóng của khói than rồi đem nấu với măng và cà chua. Hoặc, người nấu cũng có thể xe thịt ra (giống như khô bò xé sợi) và dùng lai rai với vài chén rượu cần. Ban đầu thưởng thức, bạn sẽ thấy hơi khó ăn một chút, nhưng càng ăn sẽ càng cảm thấy vị ngon của gia vị, của khói bếp thấm đều vào từng thớ thịt.
7. Cải mèo Sapa
Nếu bạn ngại, chẳng dám thử những món thịt kia thì bạn vẫn có thể no căng bụng với loài cải mèo Sapa. Cải Mèo là loại rau đặc sản được ban tặng bởi thiên nhiên Sapa. Nói “được ban tặng” thì cũng đúng thôi vì loại rau này vốn là rau hoang, mọc khắp nơi, chẳng cần chăm bón vẫn cứ tươi tốt mơn mởn.
Loại rau này nhìn qua giống cải bẹ xanh của miền xuôi nhưng vị đậm đà và giòn hơn khi ăn. Ngoài cách xào luộc đơn giản, cải Mèo còn được ăn chung với lẩu để tạo sự cân bằng giữa các nguyên liệu trong nồi.
8. Rau mầm đá Sapa
Ai mà chẳng biết câu chuyện luộc rau mầm đá của Trạng Quỳnh để dâng vua ngày xưa và ai cũng đinh ninh rằng chẳng có loại rau đó trên đời. Tuy nhiên, loại rau này là có thật và chúng mọc không đâu xa cả, ngay Sapa thôi!
Tất nhiên là loại ra này không tốn nhiều thời gian để nấu như trong câu chuyện cổ tích kia, trái lại chỉ cần trần sơ qua với nước sôi là có thể ăn ngay được rồi. Để bạn dễ liên tưởng thì vị của mầm đá hơi giống như vị của ngồng cải, song nó ngọt và thơm hơn.
Để ăn được món mầm đá luộc đúng điệu nhất thì phải chấm cùng muối vừng hoặc nước mắm dầm trứng. Còn để ăn mầm đá xào thịt trâu cho thật ngon thì nên có chén rượu San Lùng bên cạnh, để vừa nhâm nhi món ngon, vừa tán ngẫu với bạn bè.
Nếu muốn ăn thử món này, bạn có thể vào một nhà hàng nào đó ở Sapa để gọi với giá khoảng 220.000 VND / đĩa, hãy nhớ đi đúng mùa (khoảng từ tháng 11 tới tháng 3) nữa nhé để không bỏ lỡ cơ hội rồi lại suýt xoa tiếc nuối.
9. Cá hồi Sapa
Do có nhiệt độ mát lạnh quanh năm nên người dân Sapa đã tận dụng đặc tính này để nuôi cá hồi vân. Có khá nhiêu nơi nuôi giống cá hồi nhưng nổi tiếng nhất là khu Thác Bạc, ngay chân Fansipan.
Cá hồi được chế biến theo khá nhiều cách nhưng cách phổ biến nhất là làm lẩu. Miếng cá có vị ngọt đậm đà hoà cùng nồi nước lẩu thanh ngọt sẽ khiến bạn chẳng muốn buông đũa chút nào.
Vào những ngày đông lạnh như thế này ngồi bên nồi lẩu nghi ngút khói, nhâm nhi chén rượu táo mèo thì chuẩn không cần chỉnh nữa rồi. Một nồi lẩu như thế rơi vào tầm giá khoảng 200.000 VND – 590.000 VND.
10. Xôi bảy màu Sapa
Xôi bảy màu của Sapa là món ăn đặc sắc đậm nét văn hoá của dân tộc Nùng. Cái ngon cái quý của món xôi này được chắt lọc từ chính những nguyên liệu thiên nhiên cũng như cách nấu tỉ mỉ chăm chút của các bà các mẹ.
Để có được màu sắc tươi ngon, họ đã vào sâu trong rừng để tìm được các loại lá phù hợp. Mỗi màu tượng trưng cho một ý nghĩa rất riêng; ví như màu xanh chuối non đại diện cho mùa xuân hay màu đỏ thẫm đại diện cho lòng anh dũng, hiên ngang của những người anh hùng.
Rồi chưa kể tới công đoạn vo gạo, nhuộm gạo để cho ra màu sắc bắt mắt, và phải nấu sao cho khéo để màu của xôi giữ được màu ngon mắt cũng như đem lại may mắn.Có thể ăn xôi không nhưng để ăn ngon nhất thì nên ăn xôi kèm với muối vừng đen và vài miếng thịt rừng nướng. Nếu đến Sapa vào mùa lễ hội thì nhất định bạn không nên bỏ qua món ăn này đâu nhé.
Nếu một ngày nọ bạn đang lang thang ở Sapa, bỗng dưng bụng đói cồn cào và bạn tự hỏi :”Đói quá! Nên ăn gì ở Sapa đây!?”, tôi chắc chắn rằng bạn đã có câu trả lời rồi đấy! Hãy lưu ngay 10 món ăn trên vào sổ tay nhé, biết đâu bạn sẽ cần nó khi đang ở Sapa đó.
Bạn đang tìm khách sạn rẻ ở Sapa? Hãy tham khảo vài gợi ý dưới đây nhé:
|