Dịp nghỉ lễ 2/9, chúng tôi có được vài ngày nghỉ nên tranh thủ tìm nơi nào đó thật hoang vắng và ít người lui tới để nghỉ ngơi và cũng như cố gắng khám phá được thêm những nơi đẹp đẽ còn ẩn giấu. Sau khi nghiên cứu bản đồ và thông tin trên mạng, chúng tôi quyết định đi tìm ngôi làng Dơng Iar Jiêng nằm giữa thung lũng ẩn sâu trong núi rừng Lâm Đồng với chỉ có một hay hai bài báo nhắc về nó.
Từ Sài Gòn, chúng tôi lên xe máy đi men theo biển ra Phan Thiết, ra Bàu Trắng, tham quan hoang mạc cát lớn nhất Việt Nam một ngày rồi leo đèo Đại Ninh lên Đức Trọng, Đà Lạt, ngủ một đêm. Sáng hôm sau lại mua thêm thực phẩm, nước uống rồi tiến vào bìa Khu bảo tồn Bidoup – Núi Bà ở Lạc Dương, tìm người dẫn đường, gởi xe rồi bắt đầu hành trình băng rừng lội bộ vào làng.
Hành trình bắt đầu khá suôn sẻ từ những km đầu tiên len lỏi giữa những khu rừng ẩm ướt và xanh mướt, nhưng sau đó bắt đầu hạ độ cao rất nhanh, nếu không cẩn thận từng bước chân rất có thể bị trượt chân vì độ dốc lớn.
Cũng rất lâu rồi mới có lại cảm xúc chụp ảnh như thế, dù ở đây không có gì đặc biệt, và vì mỗi thứ dường như đều có linh hồn, có một vẻ đẹp riêng. Dơng Iar Jiêng đơn giản chỉ là một ngôi làng của người K’ho xa xôi hẻo lánh nằm tận trong rừng sâu, bên kia những rặng núi cao, ẩn khuất trong lòng thung lũng xa xăm. Có thể nói, đây là ngôi làng xa xôi nhất Lâm Đồng, và cũng có thể của cả miền Nam, phải đi đường nhựa, đường đất, chạy xe vào rừng, rồi bỏ xe lại lội bộ cả chục cây nữa theo triền dốc xuống từ độ cao 1600 m xuống 900 m mới đến được ngôi làng im lặng giữa thung lũng này. Lâu lắm rồi mới bị vắt cắn và ruồi vàng bâu nhiều thế, một phần do cũng chủ quan không phòng bị nhiều, phần vì cũng không sợ nữa, bị cắn nhiều quá nên thôi kệ, coi như lâu lâu thay máu vậy.
Làng không còn nhiều cư dân sinh sống sau những cơn sốt rét chết quá nhiều người năm 2012 và được chính quyền chủ trương dời dân ra ngoài lộ và giao cho rẫy cafe để trồng trọt. Đi trên đường, nghe anh Ha Quyl kể câu chuyện về ngọn đồi có cây khóc vợ, nơi người chồng khóc thương đến chết vì vợ bị đười ươi bắt mất ngay trước mặt, hay câu chuyện về bà cụ bị cọp vồ khi lấy nước ở suối, câu chuyện đắng cay về người ông phải ăn lá ngón tự tử vì không đi hỏi được vợ cho con trai.
Những năm 80, có những đêm mùa đông nhiệt độ xuống đến gần 0 độ, làm chết rất nhiều người. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi thu hoạch xong, họ vẫn phải mang gùi bắp, rau màu gần 50-60 kg đi bộ leo đồi dốc ra ngoài để đổi lấy mắm muối, những đồ dùng thiết yếu khác. Rồi thời gian qua đi, những người còn lại đã dần dần rời bỏ buôn làng xa xôi để tìm nơi ở mới tốt hơn, hoặc cất cái chòi ở đây rồi lâu lâu mới vào thăm rẫy.
Người thì ít, nhà thì thưa, lại nằm giữa bốn bề rừng núi nên chiều tối đến hầu như không có tiếng động gì, chỉ có tiếng suối reo khẽ khàng và lũ ruồi vàng bay tới bay lui nhộn nhịp bấu vào những lữ khách xa lạ vừa dừng chân nơi đây. Sau một thời gian dài tồn tại, chắc không sớm thì muộn thì ngôi làng này sẽ dần dần trôi vào quên lãng và biến mất khỏi bản đồ Việt Nam.
Chuyến đi này cảnh đẹp chỉ là thứ yếu, mà những câu chuyện nghe kể trên đường về muôn cây, về núi rừng, về những mảnh đời bất hạnh nhưng tươi đẹp của cư dân nơi đây mới là những thứ đáng nhớ nhất. Nếu có dịp, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại thăm ngôi làng này lần nữa vả cảm nhận nhịp sống thật chậm ở đây, cảm nhận nơi thời gian dường như dừng lại trước khi nó có thể bị biến mất khỏi bản đồ Việt Nam.
Tác giả: Trần Đặng Đăng Khoa
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người.
Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal |