Tới thăm chợ nổi miền Tây là thứ khiến tôi mê tít sau những cánh hoa bát ngát vùng Tây Bắc vì thế tôi đã tranh thủ đặt tour du lịch tới chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ trong dịp về Việt Nam năm ngoái. Dịp Tết này, nếu bạn có dịp về miền Tây thăm quê hương họ hàng, sao lại có thể bỏ lỡ một khu chợ đặc biệt như chợ nổi Cái Răng?
Do không còn thích đi tour nữa nên tôi đã lên kế hoạch đi một mình, xách ba lô và tới với Cần Thơ. Tôi đã có cho mình kha khá kinh nghiệm thú vị ở đây nhé, nếu bạn muốn biết tôi sẵn sàng chia sẻ ngay bây giờ!
1. Đến chợ nổi Cái Răng bằng cách nào?
Từ Sài Gòn tới Cần Thơ thì đi như thế nào nhỉ? Tôi đã “trao đổi” kha khá với anh bạn thân Google để tìm ra đáp án cho câu trả lời của mình. Có hai phương án là đi xe máy hoặc đi ô tô.
Tôi chọn đi ô tô vì muốn dành thêm thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức trên xe trước khi quậy tung chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Có khá nhiều chuyến xe khác nhau di chuyển giữa hai thành phố; tôi chọn Thành Bưởi với giá 115,000 VND / lượt đi vì bạn tôi nói rằng hãng xe này khá uy tín. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn mua vé xe Phương Trang theo số 1900 6067.
Nếu bạn muốn đi xe máy hãy tìm đường tới quốc lộ 1A, sau đó đi theo hướng cầu Mỹ Thuận, hãy rẽ trái theo hướng đi về Cần Thơ. Trên đường có khá nhiều biển chỉ dẫn nên bạn không sợ bị lạc đâu nhé. Đi xe máy sẽ tốn của bạn khoảng 4 giờ đi xe.
2. Đi thuyền trên chợ nổi Cái Răng như thế nào?
Vậy là đã tới Cần Thơ rồi nhé. Từ đây, bạn hãy tìm tới bến Ninh Kiều, Cần Thơ để đi thuyền ra chợ nổi Cái Răng. Khu chợ này nằm trên sông Cái Răng, cách trung tâm thành phố khoảng 6km đường bộ.
Nếu bạn đi đông thì có thể thuê thuyền riêng cũng được nhé, thuyền có thể chở được từ 10 tới 12 người với giá từ 500,000 VND tới 800,000 VND tuỳ vào khả năng mặc cả của bạn.
Riêng tôi, vì đi một mình nên phải đi ghép với những người khác, vé của tôi giá 30,000 VND. Tất nhiên nếu bạn có khả năng mặc cả tốt hơn tôi thì chi phí có thể giảm xuống một chút nhé. Hãy trả thêm khoảng 10,000 VND nếu bạn muốn ghé qua thăm cầu Cần Thơ.
Nhìn chung bạn sẽ tốn khoảng 30 phút để đi thuyền từ bến tới chợ nổi Cái Răng – một trong những khu chợ đông đúc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhất định bạn cũng sẽ có cảm giác thích thú choáng ngợp giống tôi khi đắm mình trong không khí buôn bán sôi nổi chân chất của người dân miền sông nước.
3. Đi chợ nổi Cái Răng thời gian nào là hợp lí?
Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm đó nhé từ khoảng 4, 5 giờ sáng các ghe xuồng đã bắt đầu cập chợ vậy nên bạn cần đi sớm một chút, tính toán dư thời gian để có thể tới chợ lúc đông vui nhất.
Tôi xuống tàu rời bến Ninh Kiều để tới chợ nổi lúc 4 giờ 30, khoảng 5 giờ tôi đã có mặt tại đây. Lúc này trời vẫn còn hơi tối, mặt trời chưa ló dạng cộng thêm gió trên sông hiu hiu thổi khiến tôi khá dễ chịu nhưng cũng khá buồn ngủ.
Thật may là tiếng buôn bán của khu chợ đã khiến tôi vượt qua cơn ngủ và trở lại với “cuộc vui”. Hãy chắc rằng bạn không ngủ gật nhé, vì bỏ lỡ chợ nổi sẽ buồn lắm đấy!
4. Có gì thú vị ở chợ nổi Cái Răng?
Có nhiều lí do khiến tôi muốn tới thăm lại chợ nổi Cái Răng sau lần thăm hụt năm ngoái. Đầu tiên là những khung cảnh nhộn nhịp nơi đây đã làm tôi lưu luyến.
Tiếp đến chính là những chiếc xuồng chở đầy hàng. Nghe lạ quá phải không? Thế này nhé, bình thường bạn chỉ có thể thấy người ta tụ tập chợ và bán hàng trên đất thôi, còn bán hàng trên ghe xuồng như thế này quả thực rất ít.
Mỗi một chiếc ghe sẽ bán một món hàng khác nhau, từ hoa quả ngon lành tươi rói của miền Tây tới những đồ gia dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Chủ các chiếc ghe sẽ treo món đồ mình bán lên một cây sào – người dân ở đây gọi là cây “bẹo” để người mua có thể dễ dàng nhận ra.
Chưa hết nhé, các món ăn cũng được bán trên ghe luôn. Tôi không thể nào quên cảm giác ngồi trên chiếc ghe nhỏ chòng chành trên dòng nước và thưởng thức bát bún riêu đậm chất miền Tây (giá 15,000 VND nhé). Đây có thể nói đó là kỉ niệm thú vị nhất nhì trong chuyến đi của tôi.
Ngoài ra nếu bạn muốn ăn trái cây tươi thì có thể nhờ người bán hàng gọt luôn cho nhé, họ cực kì thân thiện đấy.
Nếu không có dịp ghé thăm miền Tây sông nước thì hẳn chẳng bao giờ có thể thấy và trải nghiệm qua. Nên chăng đây được tính là lí do kéo tôi tới với chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
5. Say đắm với cuộc sống và con người miền sông nước
Lí do cuối cùng và cũng là lý do khiến tôi mãi quyến luyến nơi đây chính là những con người miền sông nước. Tôi đã được nghe nhiều về cuộc sống sông nước nay đây mai đó của người dân nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, hạnh phúc vậy nên tôi rất muốn trải nghiệm thử.
Tới giờ tôi vẫn không quên được nụ cười hiền của bà bán bún riêu; tay múc bát bún miệng bà kể cho tôi nghe về cách người miền Tây nấu món ăn này. Rồi bà kể cho tôi nghe về những năm tháng lênh đênh sông nước của mình và gia đình.
Chẳng hiểu sao, câu chuyện từ một người xa lạ lại khiến tôi cảm thấy thân thuộc gần gũi tới thế. Có lẽ chính sự thân thiện và nhiệt tình của bà đã xoá đi khoảng cách của hai con người không quen biết, hai con người tới từ hai vùng đất khác nhau.
Thật tiếc là tôi không tới đây đúng dịp Lễ Thượng Điền và Lễ Hạ Điền ở Cần Thơ vào tháng Tư/ tháng Chạp nếu không tôi đã có cơ hội ghé thăm lễ hội lớn nhất ở miền Tây. Nhưng biết đâu đấy, sang năm khi có thời gian tôi sẽ book vé đi liền.
Còn bạn thì sao nhỉ, bạn thích chuyến đi của tôi không? Tôi hi vọng là mình đã chia sẻ được những thông tin hữu ích cho bạn để bạn có thể tới thăm khu chợ này vào thời gian tới.