Tháng 9, hai anh em chúng tôi đi dọc khắp Tây Bắc. Dường như có rất nhiều hình ảnh, câu chuyện về Tây Bắc, nhưng không gì bằng tầm mắt thực tế và những trải nghiệm thực, chúng tôi hớn hở đóng hết tất cả những hình ảnh ấy và thẳng tiến, đi tìm bức tranh về Tây Bắc cho riêng mình.
Tú Lệ – Mù Cang Chải
Tháng 9 mùa gặt, tiết trời tốt nhất để làm 1 cuộc di cư về phía Bắc Việt Nam. Chúng tôi từ Sài Gòn bay vào Hà Nội, thuê 1 chiếc xe máy, chất lên yên những vật dụng cần thiết. Không thể chờ đợi lâu, vì tôi muốn nghe tim mình đập rộn ràng.
Tôi dành 3 ngày để lang thang trên những cánh đồng Tú Lệ từ sáng đến chiều. Lúc thì thơ thẩn trên sườn đồi ngắm bình mình, khi thì vắt vẻo bên con suối ngắm bọn trẻ tắm táp. Mùa cuối tháng 9, người ta bắt đầu đốt đồng từ từ, thi thoảng Tú Lệ là cả một buổi chiều tà tráng lệ với những cột khói nghi ngút. Mùi lúa rơm, mùi khói đồng, mùi mồ hôi, mùi tự kỷ, mùi rong chơi, mùi tự do !!!
Bữa giờ leo ruộng bậc thang, lọt chân 3, 4 lần. Nay thì tôi phi thẳng vô đống phân trâu ủ rơm. Ta nói… thấy dzui vì mấy chị em H’mông nhìn tôi cười ha hả, xong nhờ dzậy mà lại mần quen luôn. Cơ mà mùi phân ủ hem đến nỗi thúi như tôi tưởng tượng.
Những ngày tiếp theo, ngày ngày lần mò vào các ruộng bậc thang, nhất là quả ruộng hình Mâm Xôi nổi tiếng ở Mù Cang Chải, đúng là đẹp thật, nhưng phần nào bị du lịch hóa. Trên đường đi vẫn hay gặp các bé xin tiền dọc đường.
Vậy là cũng 2-3 ngày loanh hoanh dọc Mù Cang Chải, đến ngày cuối cùng, trên đường thấy các bé nô nức đeo mặt nạ, xách lồng đèn, chợt nhớ tối nay là ngày Rằm, thấy mình lẫn thẫn quên luôn nay là Tết Trung Thu. Vui mà tối đó nghỉ đêm Mù Cang Chải cùng xem mấy bé trường tiểu học tổ chức Tết Trung Thu mới cảm giác được tuổi thơ vui như nào.
Sapa – Bắc Hà – Simacai – Bản Phùng – Hà Nội
Ngày thứ 7, chúng tôi lang thang cung đường Sapa chật kín mây, nắng chiều và chén chè nghi ngút khói trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Có thể nói đây là cung đường đèo đẹp cướp tim, ngang ngửa với Mã Pí Lèng (Hà Giang).
Xe lại tiếp tục bon bon qua Bắc Hà – Simacai, nhiều lúc mệt quá chúng tớ phải ngã lưng dọc đường, kiếm chỗ mát mẻ, hoa cỏ thơm để chợp giấc 15 – 20 phút để tỉnh dậy lấy sức mà đi tiếp. Đến Simacai thì trời chuyển giông bão, gió thổi tốc bay cây cỏ khô vệ đường, bên dưới lớp áo mưa phập phồng, tôi nghĩ chắc bây giờ chúng tôi đã sưu tập đủ bộ thời tiết cho chuyến đi rồi đây.
Đi khắp các khu chợ Tây Bắc, có lẽ tôi bị ấn tượng mạnh bởi chợ biên giới Cán Cấu vùng Simacai này nhất. Bởi đây là tổng hòa màu sắc ban sơ và chân thật nhất, một khi nó vẫn còn chưa bị bê tông và du lịch hoá nhiều. Chợ Cán Cấu họp vào thứ 7 hàng tuần là nơi mua bán hàng hóa của người Mông, Dao, Tày các xã Cán Cấu, Lửu Thẩn (Si Ma Cai) và Lùng Phình (Bắc Hà). Bà con đến chợ mang theo đủ thứ hàng nông thổ, rượu, trang phục thổ cẩm, đồ trang sức bạc và cả mua bán trâu, ngựa…
Chia tay Simacai, chúng tôi lại tiếp tục lang thang Hoàng Su Phì và chọn điểm nghỉ chân ở Bản Phùng. Như 1 thói quen trời cho, chúng tôi đến Bản Phùng trong cái nắng chào đón rực rỡ nhất của cuối ngày. Cũng là ruộng bậc thang và những nếp nhà gỗ nhưng chúng tôi lại thấy hoàn toàn mới mẻ khi lạc vào bức tranh Bản Phùng. Những đứa trẻ La Chí đang hái hoa dọc bờ đó, chúng bẽn lẽn và sống động, miệng tủm tỉm như những đóa bông cúc dại trên tay.
Tôi sẽ không bao giờ quên được hững buổi sáng sớm tinh mơ, thức dậy vì mùi hương của món su su xào trong gian bếp gỗ, tiếng con gà cựa cựa đống rơm, lâu lâu nghe tiếng chào nhau í ới ra đồng. Mãi cho những ngày sau khi về lại thành thị, 1 tuần sau tôi mới hòa nhập lại với cộng đồng vì thói quen thức dậy sớm làm chén chè. Lâu lâu lạị ríu ra “Chén chè điếu thuốc nhớ người anh emmmm”.
Tác giả: Blogger Nhị Đặng
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người.
Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal |