Ừ đúng vậy đấy, Tết Hà Nội trong tôi luôn là những ngày tháng không thể nào quên. Ở đó tôi tìm thấy pháo hoa đì đùng, thấy mùi bánh chưng lan toả khắp ngõ nhỏ, thấy những phiên chợ chiều đông đúc,…
Bởi vậy dù có 10, 20 hay 30 tuổi, dù có ở bất cứ phương trời nào đi chăng nữa, tôi vẫn luôn mơ về, luôn nhớ về những cái tết ấm đượm tình cảm nơi đây. Nếu bạn có chút hứng thú thì tôi sẵn sàng kể cho bạn nghe về Tết Hà Nội của tôi, cái Tết của những ngày tháng đầy nhung nhớ.
1. Tết Hà Nội trong tôi là những phiên chợ chiều với mẹ
Ngày còn bé, điều khiến tôi thích thú nhất mỗi khi tết về là đi chợ chiều với mẹ. Thật ra thì có thể đi vào buổi sáng nhưng mẹ luôn bận bịu dọn dẹp nhà cửa nên tôi chỉ có thể đi vào buổi chiều. Tôi cá là phiên chợ Tết Hà Nội vào buổi sáng cũng thú vị lắm, nhưng thôi vì tôi chỉ được ghé qua chợ mỗi khi chiều về nên tôi sẽ kể cho bạn nghe phiên chợ chiều của lòng tôi.
Có lẽ do tết về, nên dù có về chiều nơi đây vẫn vô cùng náo nhiệt, người mua kẻ bán vẫn cứ tấp nập ồn ã. Người ta cố gắng mua những món đồ thật đẹp thật ngon để chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của gia đình.
Tôi của những ngày còn non trẻ ấy cũng háo hức cùng mẹ sà vào những gánh hàng hoa để mua về một bó hoa thật to. Thật ra, hồi ấy tôi cũng chẳng biết là hoa gì đâu, chỉ thấy hoa rất đẹp nên chọn, và thấy khuôn mặt mẹ tươi cười đón nhận bó hoa từ tay cô bán hàng. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến tôi cảm thấy mình thật có ích, hẳn là đã giúp mẹ mua được những đoá hoa ưng ý.
Sự thích thú của tôi kéo dài qua nhiều năm, lớn cùng tôi theo những tháng ngày; vậy nên kể cả khi đã lớn tôi vẫn muốn cùng mẹ đi tới những buổi chợ, cùng mẹ chọn những bó hoa đẹp đẽ để trang hoàng nhà cửa.
2. Tết Hà Nội trong tôi là ngồi canh nồi bánh chưng, hít hà hơi nóng bên bếp lửa
Tôi sống trong khu tập thể – nơi mọi người đều biết nhau, lũ trẻ con cùng lớn lên với nhau, thân thiết gắn bó như những người trong nhà và tôi nghĩ mình may mắn vì điều ấy. Vì sao ư, vì chúng tôi có thể cùng nhau chia sẻ nhiều thứ, đặc biệt là khi Tết về.
Một trong những điều chúng tôi – lũ con trẻ chia sẻ với nhau là “canh nồi bánh chưng chờ trời sáng”. Đây luôn là thứ khiến chúng tôi thích thú, vừa được ngóng trông nồi bánh giúp bố mẹ, vừa được thức thâu đêm – điều mà 364 ngày còn lại còn lâu chúng tôi mới được phụ huynh cho phép, lại vừa được ngóng trông những củ khoai được vùi sâu trong đống tro bên dưới.
Trong kí ức tuổi thơ tôi, nồi bánh chưng ấy thật kì diệu, gắn kết chúng tôi lại với nhau, cho dù lắm lúc cũng cãi nhau chí choé bởi miếng bánh cỏn con.
Bao nhiêu năm trôi qua, nồi bánh chưng vẫn đầy ắp những chiếc bánh, củi lửa vẫn đỏ hồng, vẫn sẵn sàng chờ chúng tôi tới hít hà hơi ấm nóng ngày se lạnh cuối đông. Chỉ có điều, chúng tôi đều đã lớn, mỗi đứa mỗi phương chẳng thể cùng nhau quây quần bên nồi bánh như ngày còn thơ bé. Nhưng có một điều tôi luôn tin tưởng, đó là nếu có cơ hội nhất định chúng tôi sẽ ngồi cạnh nhau bên bếp lửa ấy một lần nữa.
3. Tết Hà Nội trong tôi là không khí se lạnh của tiết trời vào xuân
Với bản thân tôi, không khí se lạnh của tiết trời chuyển đông sang xuân có lẽ chính là gia vị chính đem lại phong vị cho ngày Tết Hà Nội. Tết, chính là, phải lạnh một chút, phải se một chút để kéo người ta lại với nhau, để gắn kết những yêu thương còn dang dở suốt một năm dài.
Những năm tôi còn học cấp một, Tết dường như là lạnh lắm kìa, cái lạnh cắt da cắt thịt, khiến người ta ngại chẳng muốn chui ra khỏi chăn vào mỗi sớm. Tôi còn nhớ, ngày ấy, mẹ mặc cho tôi rất nhiều quần áo, tới nỗi tôi đi lại lạch bạch như gấu bông trong nhà.
Lũ trẻ xóm tôi tất nhiên chẳng có đứa nào ngoại lệ, chúng nó cũng giống tôi, trở thành “những con gấu bông” suốt những ngày Tết. Và tất nhiên, lại tất nhiên rồi, chúng tôi là những con gấu bông trong những bộ quần áo xinh đẹp. Đấy, tự nhiên Tết về, tự nhiên se lạnh và tự nhiên chúng tôi có quần áo đẹp để so sánh với nhau, để hằn học, giận dỗi vì “của mày có nhiều màu đẹp hơn của tao”. Trẻ con thật nhưng nó là cả tuổi thơ của tôi ấy chứ ????
Những năm sau này, chúng tôi bớt “gấu bông” hơn, chẳng biết do thời tiết đã bớt lạnh hay do chúng tôi đã sớm thích nghi được với tiết trời của Hà Nội mỗi khi Tết về. Chúng tôi chẳng còn tị nạnh với nhau về những bộ quần áo, thay vào đó là ngồi bên nhau sau một năm dài tứ xứ, trêu nhau về những ngày vụng dại. Rõ là, cái lạnh của ngày Tết về kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, gắn kết nhau hơn và yêu thương nhau hơn.
Hiển nhiên tôi hiểu rất rõ năm tháng trôi qua thì những cái Tết của tôi sẽ chẳng còn được như ngày cũ bởi ai cũng lớn, ai cũng đổi thay, tết cũng đổi thay theo một cách nào đấy; tuy không còn trọn vẹn nhưng vẫn đẹp vô cùng.
Nói gì thì nói, đã là kỉ niệm đẹp chẳng bao giờ có thể xoá nhoà. Tết Hà Nội trong tôi vẫn đẹp, cho dù đó là tết của những ngày đã qua hay là Tết của những ngày hiện tại.