Hôm nay (24/11/2016) là Lễ Tạ Ơn rồi bạn ơi! Hẳn là bạn đã ít nhiều nghe qua ngày lễ này – ngày ăn mừng một vụ mùa bội thu với gà tây, khoai tây nghiền, với bánh budding hay với những món ăn làm từ bí ngô nhiều màu sắc. Người ta sẽ cùng ăn cùng vui và cùng chờ đợi để tham gia “đại chiến Black Friday” vào ngày thứ sáu. Ái chà, tôi đã kể cho bạn nghe về Black Friday vào hôm kia rồi; còn hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Thanksgiving nhé ????
Tôi cam đoan rằng những thứ bạn nghe chưa phải là tất cả mà chỉ là một phần của ngày lễ ý nghĩa này. Nếu bạn có chút hứng thú muốn tìm hiểu thêm thì tôi có thể chia sẻ thêm với bạn, vì biết đâu đấy bạn sẽ được tham gia ngày lễ ngày trong chuyến đi sắp tới của mình.
Lễ Tạ Ơn được bắt nguồn từ Mỹ và Canada để cảm ơn một vụ mùa tốt đẹp. Ngày lễ này lần đầu tiên được tổ chức vào thứ 5 thứ 4 của tháng 11 năm 1621 và tồn tại cho tới giờ. Tuy nhiên, ngày giờ cụ thể sẽ có chút khác biệt giữa các nước với nhau nha. Chính vì ý nghĩa ăn mừng ngày mùa bội thu mà ngày lễ này đã được nhiều nước trên thế giới tổ chức, trong đó có cả các nước ở Châu Á và Châu Âu. Để biết cụ thể đó là những nước nào và cách chào mừng của họ ra sao thì bạn có thể theo chân tôi tìm hiểu nhé!
1. Mỹ
Nước Mỹ là nơi “khai sinh” ra Lễ Tạ Ơn vậy nên không thể không ghé qua đất nước này để tìm hiểu.
Người Mỹ tạ ơn Chúa vì người đã đem tới một mùa màng bội thu. Ngày lễ này ở Mỹ có thể được so sánh với Tết ta ở Việt Nam. Ngày Lễ Tạ Ơn ở nước Mỹ vẫn được giữ nguyên như truyền thống; đó là thứ 5 tuần thứ 4 của tháng 11. Nếu ở Mỹ bạn sẽ có liền tù tì 4 ngày nghỉ từ thứ 5 tới chủ nhật đấy nhé; khá là tiện phải không nào, sau ngày Thanksgiving sẽ có dư thời gian để chiến đấu cùng Black Friday.
Do đây cũng là thời gian thu hoạch cây việt quất nên người dân ở Massachusetts, vùng Tây Nam nước Mỹ còn tổ chức các cuộc thi làm bánh việt quất nữa nhé.
2. Canada
Đã nhắc tới Mỹ thì không thể không nhắc tới Canada, một trong hai nước “khai sinh” ra ngày lễ lớn này.
Người Canada kỉ niệm ngày Lễ Tạ Ơn vào thứ hai tuần thứ hai của tháng 10; dù ban đầu họ kỉ niệm ngày này vào thứ 5 trong tháng 11. Thay vì thưởng thức món gà tây như người Mỹ, họ ăn thịt xông khói hoặc cừu và bánh La tourtiere – một loại bánh nướng được làm từ khoai tây nghiền, thịt thỏ/bò xay nhuyễn.
Vào ngày Lễ Tạ Ơn, những người thân trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng chia sẽ những khoảng khắc đáng nhớ, cầu nguyện cho một năm tiếp theo mùa màng bội thu và cảm ơn đấng toàn năng đã giúp đỡ họ trong mùa vụ vừa rồi.
3. Anh
Điều thú vị là ngày Lễ Tạ Ơn ở nước Anh không hề có ngày cụ thể; thời gian tổ chức sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết và văn hoá các vùng. Nghe khá là hay ho phải không nào!?
Nếu để tính toán chính xác một chút thì tháng 9 – thời điểm kết thúc mùa hè sẽ là khoảng thời gian mà Lễ Tạ Ơn được tổ chức trên toàn nước Anh. Mùa thu hoạch sẽ được bắt đầu khi táo, lúa mì và đặc biệt là ngô được thu hoạch. Bạn biết không, bó ngô cuối cùng sẽ được những người dân cực kì trân trọng và coi như là sự may mắn. Họ sẽ mang những gì thu hoạch được và lưỡi cày tới nhà thờ để cầu nguyện vì theo phong tục của người Anh điều này sẽ đem đến vụ mùa bội thu cho năm tiếp theo.
4. Áo
Ngày hội thu hoạch ở Áo là thời điểm mọi người cùng tận hưởng khoảng thời gian thoải mái, vui nhộn nhất năm. Đây là khoảng thời gian khá quan trọng đó nhé vì nó đánh dấu sự bắt đầu mùa rượu mới – Heurigen ở Áo.
Phải đấy, người Áo sẽ tổ chức Lễ Tạ Ơn cho rượu. Nếu bạn bay tới Áo vào khoảng thời gian này bạn sẽ có cơ hội tham gia vào các cuộc hành hương đến Klosterneuberg Abbey – “thủ phủ” của rượu vang nổi tiếng Leopolsberg. Các cuộc diễu hành, biểu diễn với âm nhạc sẽ diễn ra liên tục trong khoảng thời gian này, thế nên sẽ thật là tiếc nếu bạn bỏ qua cơ hội tốt để tìm hiểu văn hoá Áo, đặc biệt là văn hoá về ngày Lễ Tạ Ơn.
5. Hy Lạp
Nếu bạn đã đọc qua Thần Thoại Hy Lạp hẳn phải biết tới nữ thần vụ mùa Demeter – người chăm lo cho mùa màng của những người dân nơi đây. Hẳn nhiên người Hy Lạp luôn tôn thờ và kính trọng bà. Mỗi khi tới mùa thu – mùa thu hoạch, họ sẽ tổ chức lễ hội Thesmosphoria trong vòng 3 ngày để tỏ lòng biết ơn tới Demeter.
Những món ăn như ngô, bánh, hoa quả và lợn sẽ được dâng lên cho nữ thần với mong muốn có được năm tiếp theo cũng bội thu không kém.
6. Trung Quốc & Hàn Quốc
Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi tôi bật mí bí mật này: Ngày Lễ Tạ Ơn ở Trung Quốc và Hàn Quốc chính là ngày Rằm Trung Thu – 15 tháng 8 âm lịch đấy – khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 theo lịch dương. Dịp lễ này thậm chí còn được xem là dịp lễ lớn nhất nhì sau Tết âm lịch.
Với người Hàn Quốc, đây là dịp để họ dành thời gian dài bên gia đình người thân cũng như bày tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi. Đặc biệt là những người phụ nữ sẽ cùng quây quần và hát vang bài hát truyền thống Kang Kang Sue Wol Lae.
Rằm trung thu thì hẳn là chẳng xa lạ gì với chúng ta nhỉ, vẫn sẽ là múa lân tưng bừng náo nhiệt từng con phố, vẫn là bánh trung thu thơm dẻo uống cùng trà. Cả gia đình sẽ quây quần bên nhau để ăn bánh ngắm chị Hằng trên cao. Tiếc là trung thu đã qua lâu rồi nên bạn cũng khó có thể tới đây để tham gia “Lễ Tạ Ơn” đậm chất Châu Á. Vậy nên hẹn bạn năm sau ghé qua nhé!
Bạn thấy thích Lễ Tạ Ơn ở đâu nhất nhỉ? Riêng tôi tôi rất thích Lễ Tạ Ơn ở Áo chính bởi thế tôi đã đặt vé máy bay đi Áo cuối tháng 11 này để tham gia vào “cuộc hành hương” đầy thú vị mà tôi đã kể ở trên. Nếu bạn cũng thích giống tôi và đang tìm cạ cứng đi cùng thì hãy gọi cho tôi ngay nhé, nhất định chúng ta sẽ có chuyến đi cực kì đáng nhớ!