Sáng nay Sài Gòn mưa, ngồi nhâm nhi ly cafe sáng. Ngẫm lại, Giang thấy mình thật may mắn khi được có cơ hội khám phá nhiều nơi, mở mang tầm mắt. Lên rừng có, xuống biển có, mỗi nơi một vẻ. Nhưng nói riêng về biển đảo thì Việt Nam mang một màu sắc rất riêng, thu hút đến lạ, đặc biệt là Đảo Phú Quý – nơi đã gieo bao thương nhớ vào lòng Giang trong chuyến đi gần đây.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Giang bắt xe khách đến Phan Thiết mất khoảng 5 tiếng. Sau đó di chuyển bằng tàu thủy từ cảng Phan Thiết để ra được tới đảo Phú Quý. Tàu khởi hành đi Phú Quý rất nhiều hãng và thường có mỗi ngày, trừ những hôm biển động thì sẽ có lịch trình sẽ tùy theo thời tiết nữa. Mọi người nên lên lịch trình rõ ràng nhé.
Sau gần 4 tiếng lênh đênh trên tàu để di chuyển từ đất liền, Đảo Phú Quý hiện dần. Tôi đặt chân lên Đảo với bao cảm xúc. Phú Quý nằm khá xa đất liền, chắc vì vậy mà không khí, cuộc sống trên đảo hoang sơ, bình yên và rất giản dị. Trước khu di tích công chúa Bàng Tranh là một hồ chứa nước, xưa là một cái ruộng rộng. Nghe nói trước đó có một cái ngòi dẫn xuống ruộng khi mùa mưa tới. Phú Quý không có sông ngòi. Mùa mưa, nước chảy tràn trên mặt đất. Người dân trữ nước vào mùa mưa. Mùa khô thì thiếu nước, phải dùng nước ngầm, nước giếng.
Ấn tượng đầu tiên của Giang là người dân nơi đây cực kì thân thiện, nhiệt tình. Ở họ toát lên vẻ chất phát từ bề ngoài: từ ánh mắt đến nước da ngâm đen vì cái nắng gió, đi chân đất để dễ di chuyển. Khi tiếp xúc thì luôn cởi mở, giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống.
Cuộc sống Dân đảo Phú Quý gắn liền với việc ra khơi, đánh bắt cá xa bờ. Lênh đênh trên biển trở thành niềm vui, sự hứng khởi của họ. Cứ mỗi buổi sáng sớm là tấp nập tàu cập bến sau những ngày đánh bắt xa bờ, là những thùng cá được chuyển từ biển vào bờ. Mọi người như hoạt động hết công suất với nụ cười luôn nở trên môi. Cuộc sống vui vẻ, ấm áp.
Đến trưa, biển có vẻ im ắng hơn, những con tàu đã neo đậu sát vào bờ để chuẩn bị cho những chuyển đi mới, tạo thành một khung cảnh tĩnh lặng, yên bình.
Đến Phú Quý, bạn chắc chắn phải lên cột cờ Phú Quý – hiên ngang nơi cao nhất. Từ đây, thả tầm mắt để ngắm nhìn toàn cảnh trên đảo.
Những chiếc thuyền neo đậu dọc bờ biển nối đuôi nhau như đoàn tàu; xa xa là những vách núi đá đen xen cỏ xanh rì ôm cua uốn lượn như dãi lụa màu; nhìn ra phía biển bạn sẽ đắm chìm với bãi cát vàng, những viên đá đen hòa trộn với mặt nước biển tạo nên một bảng màu xanh với đầy đủ sắc thái đậm nhạt; bầu trời trong xanh với những tảng mây trong vắt; nghe sóng vỗ ì ầm, hít hà đầy phổi không khí trong lành của núi của biển. Chợt thấy yên bình, tự do muốn là cánh chim bay khắp đảo để thưởng thức vẻ đẹp này.
Một trong những điểm ấn tượng nhất của mỗi vùng miền, đó là đồ ăn. Đến Phú Quý bạn chỉ việc chọn món mình thích, còn việc chế biến, chất lượng không cần quan tâm. Vì hải sản ở đây luôn trong tình trạng tươi sống, nấu hợp khẩu vị của đa số mọi người và giá cả cực rẻ, không có tình trạng chặt chém khách du lịch. Nhìn con tôm nướng đỏ hấp dẫn, chấm với chén nước mắt nguyên chất, cảm nhận thịt tôm dai, vị mắm mặn đậm đà, vị ớt cay the the đầu lưỡi. Vị giác đã được một bữa no nê.
Tiếp cuộc hành trình khám phá đảo, Giang đến thăm Đại Môn Mộ Thầy, nơi được ví là đuôi rồng. Nhìn từ đỉnh núi Cao Cát có thể thấy chùa Linh Sơn, nơi được gọi là đầu rồng. Xa xa là những con đập ở Gành Hang. Những con đập cũ đủ kích cỡ. Lúc xưa, dân đảo dùng nuôi cá mực, gần đây đã chuyển sang đánh bắt nhiều hơn và con đập vẫn ở đó, như tấm lá chắn bảo vệ dân làng. Dọc con đường cây cối hai bên xanh tốt. Giang lên chùa Linh Sơn, leo khoảng 200 bậc thì tới đỉnh, nơi đặt bức tượng Phật bà Quan Âm. Từ nơi này có thể quan sát hết đảo. Đẹp nhất vẫn phải là những khối đá phiến được sóng biển và gió biển bào mòn. Từng lớp, từng lớp đá xếp hàng như những gáy sách xếp chồng lên nhau trông thật đẹp…
Mặt trời dần khuất, ánh đèn trên những con tàu bắt đầu sáng lên, chuẩn bị cho buổi ra khơi câu mực, đánh lưới hay những cuộc săn cá thu. Để rồi mỗi sáng về, ghe tàu lại đầy ắp “chiến lợi phẩm” tươi rói.
Trước đây nguồn điện trên đảo Phú Quý chủ yếu được cung cấp từ Nhà máy điện Diesel, chỉ phát điện được 16 giờ/ngày. Từ ngày nhà máy điện gió Phú Quý đi vào hoạt động giúp cho hơn 27.000 người dân trên đảo giải quyết tình hình thiếu điện sinh hoạt, sản xuất.
Chính nhờ những cối điện gió này, làm cho Phú Quý có thêm điểm đặc trưng, đẹp và thơ mộng. Chiều tà nhìn ngắm những cánh quạt lướt nhẹ trong gió, cảm nhận được tiếng gió rít, âm thanh của cánh quạt thả hồn trên con đường mòn dẫn lỗi – Một khung cảnh thật lãng mạn.
Trong chuyến đi đến Phú Quý này, Giang cảm nhận được sự chân thật của người dân ở đảo, hiểu được những phong tục ở đảo mà chưa thấy ở bất kỳ nơi nào đã đi qua, được ăn những món hải sản tươi sống, món cháo nhum nóng hổi hay cua huỳnh đế hấp sả, được thả hồn cùng thiên nhiên trong lành… Tự hứa với lòng sẽ giới thiệu nơi này cho bạn bè trong nước và ngoài nước, để mọi người được một lần say thú cùng thiên nhiên tuyệt vời nơi đây.
Tác giả: Blogger Hoàng Lê Giang
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người.
Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal |