Tết là khi bạn quay trở về với gia đình, để sum họp để đoàn viên để tận hưởng trọn vẹn tình yêu thương bên những người thân yêu…
Tất nhiên tôi cũng chẳng phải ngoại lệ, tôi vẫn luôn háo hức mong đợi mỗi khi tết về; nhất là khi đã 2 năm rồi tôi chưa được ăn tết ở Việt Nam và đặc biệt là Tết Hà Nội…
Và, ngày hôm nay, tôi đã có dịp được trở về quê hương sao bao năm xa cách. Sau “hành trình” khá dài chờ đợi ở sân bay Tân Sơn nhất, tôi lên máy bay trở về Hà Nội, trở về với cái tết đầm ấm, thân thương.
Tết Hà Nội luôn là điều gì đó rất đặc biệt! Chẳng biết phải do quá yêu thương hay vốn dĩ Tết Hà thành đã yêu kiều tới vậy mà vừa bước chân xuống sân bay tôi đã cảm nhận được không khí xuân căng tràng nơi lồng ngực. Đó hẳn là cái se lạnh của tiết trời vào xuân, là sự nô nức của người người nhà nhà đón nhau, và là tiếng lòng háo hức của lũ con trẻ.
Đúng là, dù bao nhiêu năm trôi qua nhưng có những thứ vẫn mãi không thay đổi mỗi khi Tết về. Còn cụ thể như thế nào, thì để tôi kể cho bạn nghe nhé ????
1. Mâm ngũ quả trong những ngày Tết Hà Nội
Mâm ngũ quả thường là điều đầu tiên người Hà Nội nghĩ tới. Bởi, mâm ngũ quả này sẽ được bày trên bàn thờ gia tiên trong suốt 3 ngày Tết. Một mâm ngũ quả đẹp, trọn vẹn sẽ thể hiện được lòng thành kính của con cháu cho ông bà tổ tiên. Đồng thời, đó cũng là mong ước của gia chủ cho một năm mới thật an nhiên và hạnh phúc.
Người Hà Nội xếp mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành của văn hoá phương Đông, bao gồm: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Bởi, họ tin đây chính là sự kết hợp trọn vẹn của đất trời, sự dung hoà của vạn vật. Dựa vào đặc tính này mà họ sẽ chọn ra loại quả đúng màu sắc để bày biện xen kẽ với nhau. Đặc biệt, ngày Tết Hà Nội không sự quan trọng ít nhiều của mâm quả, cái họ quan tâm là phải đủ màu sắc, phải bày hoa quả sao cho thuận. Thường thì bạn sẽ thấy nải chuối xanh được xếp vào giữa, sau đó bưởi, hồng, đào, quýt sẽ được xếp xung quanh.
2. Mâm cỗ cúng Tất Niên chiều 30
Bên cạnh mâm ngũ quả thì mâm cơm cúng chiều 30 cũng là phần không thể thiếu trong ngày tết Hà Nội.
Cơm cúng Tất Niên như một lời chào tạm biệt, khép lại những ái ố ỉ nộ, những thăng trầm cũng như lời cảm ơn cho thành công, hạnh phúc dành cho năm cũ.
Mâm cơm cúng tất niên không cần quá cầu kỳ, cái quan trọng là thể hiện được tấm lòng của người cúng với đất trời, với thần linh đã phù hộ gia đình trong suốt năm qua. Theo lẽ thường trong văn hoá Hà Nội, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ là người thắp hương, đọc văn khấn, các thành viên còn lại sẽ làm lễ vái.
Dù nói bữa cơm cuối năm này không quá cầu kì nhưng cũng thịnh soạn hơn thường ngày. Bạn sẽ thấy trên mâm cơm có các món canh, mặn theo đúng ngũ hành như móng giò hầm măng, miến lòng già, giò lụa, xôi, bánh chưng, nem, giò xào. Những món này sẽ được đặt lên ban thờ phụ bên dưới, ban thờ chính sẽ để mâm ngũ quả.
3. Cành đào, cành quất chào xuân
Cũng giống như mai vàng rực rỡ sắc xuân được người dân Sài Gòn yêu thích, những cành mai hồng thắm cùng những cây quất sai quả là thứ mà người Hà Nội đặc biệt tìm mua mỗi khi Tết đến xuân về.
Họ mua cành đào, cây quất để trang trí nhà cửa, để đem tiết xuân, đem may mắn thuận lợi, đem một năm mới an khang thịnh vượng vào nhà. Vậy nên, những ngày cận tết, từ 23 tháng chạp các phiên chợ bán đào quất lúc nào cũng nô nức đông đúc, ai cũng muốn chọn cho mình một cây thật đẹp những mong đem niềm vui tới cho gia đình.
Theo kinh nghiệm tôi được mẹ “truyền lại” thì nên chọn một cành đào nên có nhiều nụ e ấp một chút để có thể nở thật đẹp trong ngày Tết, điều này tương tự với chọn quất, hãy chọn một cây có nhiều lá non, có nhiều nụ hoa cũng như nhiều quả lộc. Đây là lộc của cây cũng chính là lộc cho gia chủ ngày Tết.
4. Bánh chưng xanh, bao lì xì đỏ
Tự muôn đời, “bánh chưng xanh bao lì xì đỏ” luôn đi kèm với nhau, trở thành một bộ đôi không thể tách rời ngày Tết.
Dẫu rằng giờ người Hà Nội có thể mua bánh chưng ở bất cứ đâu nhưng nếu có thể họ vẫn cố gắng làm riêng cho mình và người thân những chiếc bánh vuông vức gói trong lá xanh lạt trắng. Khi ấy, người ta sẽ nâng niu từng bát gạo trắng, từng lát đậu vàng cũng như từng miếng thịt ngon mắt. Khi ấy người ta sẽ gói gém tất cả những nguyên liệu tươi ngon ấy trong lớp lá dong non xanh, ngon mắt.
Để rồi thổi lửa để rồi quây quần bên bếp than hồng, để rồi cho ra những chiếc bánh ngon thật ngon – cái ngon của nguyên liệu, của yêu thương. Chiếc bánh chưng sẽ được cắt tám bằng chính chiếc lạt buộc bánh rồi đem cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết.
Bao lì xì đỏ cũng được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Vẫn như những ngày cũ, bao lì xì được dùng để chúc tết con cháu, để cầu chúc sức khoẻ, hạnh phúc trong suốt một năm dài. Bởi thế mà, người ta sẽ cố gắng chọn những phong bao thật đẹp, thật ý nghĩa để trao tặng con trẻ.
Tết Hà Nội thật ra còn nhiều lắm nên nếu chỉ dành vài trang giấy để kể e là chẳng đủ. Nhưng tôi nghĩ rằng với chừng này “truyền thống” đã đủ để bạn biết tới một cái Tết cổ truyền giản dị nhưng ấm áp của Hà Nội. Nếu có cơ hội, bạn hãy bay ra Hà Nội và tận hưởng không khí Tết náo nhiệt nhưng nồng ấm ở đây nhé!