Dẫu còn một số hành vi phản cảm như ném tiền lên kiệu ấn, sau nghi lễ khai ấn một số người xông vào đền Thiên Trường để lấy lộc trên các ban thờ, phía ngoài một số dịch vụ “có cơ hội là chặt chém” song lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định) năm nay được ghi nhận diễn ra trong không khí yên bình…
Đêm 14 tháng Giêng, chính quyền TP Nam Định và nhân dân địa phương đã tổ chức lễ Khai ấn Đền Trần theo các nghi thức truyền thống, với sự tham dự của hàng vạn du khách tour du xuân 2019 trong và ngoài địa phương. Theo dân gian lưu truyền, đương thời, hằng năm vào dịp đầu Xuân, các Vua nhà Trần thường từ kinh thành Thăng Long về Phủ Thiên Trường – quê hương nhà Trần – thực hiện nghi lễ khai ấn, ban thưởng cho quan, dân, cầu cho xã tắc bình an, thịnh vượng.
Việc này được người dân đời sau các làng quanh khu đền Trần, chùa Tháp (Tức Mạc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Vọc, Lốc, Kênh, Bái) tái hiện qua Lễ hội khai ấn, tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân. Theo đó, mỗi khi đến hội, dân các làng này thường rước kiệu về đền Thiên Trường để làm lễ tế các vua Trần, sau đó dự lễ khai ấn. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ, bên trong có 2 ấn thờ (con dấu). Trên mặt ấn có khắc các chữ “Trần Miếu” và “Trần triều tự điển” cùng hàng chữ nhỏ “tích phúc vô cương”. Lễ khai ấn được thực hiện vào giờ Tý (23h15) – thời khắc được cho là “thiêng liêng, đất trời giao hòa” và được thực hiện bởi các cụ cao niên.
Trước đó, UBND TP Nam Định đã tổ chức Lễ dâng hương, tưởng nhớ các vị vua triều Trần. Phát biểu tại lễ dâng hương, đại diện chính quyền thành phố bày tỏ sự tri ân công đức to lớn của vương triều Trần; tái khẳng định Lễ khai ấn Đền Trần là nghi lễ cổ truyền, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh cao đẹp, cần được gìn giữ, lưu truyền…
Trong khuôn khổ lễ hội khai Ấn, nhiều người, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều Trần khi được chứng kiến nghi lễ rước nước và tế cá do nhân dân địa phương tổ chức, tái hiện. Cũng tại đây, như thường lệ, nhân dân địa phương còn tổ chức nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần (nằm gần chùa).
Đây là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái tổ tiên và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu…
Những năm trước đây, lễ hội khai ấn thường khiến nhiều người “phiền lòng” bởi trong quá trình diễn ra lễ hội này thường “phô diễn” rất nhiều hành vi phản cảm. Trong đó, khi kiệu ấn được rước vào sân đền Thiên Trường, nhiều người có mặt vo tiền ném rào rào lên kiệu ấn.
Rồi nữa, ngay sau khi nghi lễ khai ấn kết thúc, nhà đền thực hiện phát ấn cho du khách thường diễn ra việc nhiều người tham gia tranh giành lộc ấn; khi cửa đền Thiên Trường được mở nhiều người xông vào đền tìm mọi cách “vơ vét” đồ thờ cúng trên các ban thờ, khiến nơi tôn nghiêm trở nên hỗn loạn, đầy tính phàm tục. Phía ngoài, trong không gian lễ hội tràn ngập những người “giả nghèo, giả khổ” lăn lê trườn bò trên đường để đổi lấy sự “mủi lòng” của người đi hội; các dịch vụ cũng thỏa sức “chặt chém”…
Rất mừng là năm nay, những hành vi phản cảm ở lễ hội khai ấn đền Trần đã dần được ngăn chặn. Điều này có được từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong các khâu tổ chức. Theo đó, việc phát ấn thay bằng được thực hiện ngay trong đêm 14 đã được dời đến đầu giờ sáng hôm sau, bố trí ở nhiều điểm và kéo dài đến khi du khách không còn nhu cầu… một cách tự nhiên đã chặn được việc tranh giành. Việc lắp camera theo dõi khiến những người có ý định ném tiền lên kiệu ấn, xông vào đền cướp lộc… phải chùn tay, chùn bước.
Đặc biệt, năm nào chính quyền địa phương cũng huy động một lực lượng nhân viên an ninh khổng lồ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội nên dẫu trong cùng một thời điểm có hàng vạn người đổ về nhưng đến nay lễ hội khai ấn đền Trần chưa để xảy ra sự cố an ninh nghiêm trọng…
Qua đây có thể thấy, không riêng lễ hội khai ấn Đền Trần mà ở bất cứ lễ hội nào, nếu những người tham gia nêu cao ý thức, làm người văn minh khi tham gia lễ hội, không thực hiện những hành vi phản cảm, chộp giật thì lễ hội dù có đông đến đâu cũng sẽ diễn ra yên bình. Đến đó ai cũng tìm được cảm giác thư thái, tâm linh ai cũng được thỏa nguyện, tâm trí được thảnh thơi để cảm nhận cái hay, cái đẹp của lễ hội. Và khi đó, chính quyền không còn quá phải tổn hao sức lực, tiền bạc cho công tác tổ chức; sắc phục của lực lượng an ninh không còn phải ken đặc ở chốn tâm linh. Hơn cả là xã hội không phải phiền lòng…